Đau mắt đỏ là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Em bé bị đau mắt đỏ sẽ rất khó chịu. Những lúc như thế bố mẹ nên làm gì để giảm nhanh các triệu chứng của bệnh và giúp trẻ dễ chịu hơn.
Đau mắt đỏ là gì?
>> Trả lời câu hỏi: Đau mắt đỏ có lây không? Lây qua đường nào?
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc. Đây là một bệnh viêm nhiễm ở mắt rất phổ biến, đặc biệt ở những bé dưới 5 tuổi. Khi bị đau mắt đỏ thì kết mạc sẽ bị sưng đỏ.
Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có phương pháp chữa khác nhau. Trong trường hợp bé bị đau mắt đỏ do dị ứng hoặc siêu vi thì có thể sẽ tự phục hồi mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu bị đau mắt đỏ do nhiễm trùng thì rất dễ bị lây lan nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bé bị đau mắt đỏ
Khi bị đau mắt đỏ, bé sẽ có một hoặc một số dấu hiệu sau:
- Mí mắt bị sưng
- Đỏ sau hai mí mắt trên và dưới
- Có thể bị đỏ một hoặc cả hai mắt
- Có dử mắt đục, màu xanh hoặc màu vàng, ở dạng đặc
- Chảy nước mắt liên tục
- Mắt có cảm giác như có cát ở trong
- Có cảm giác chói mắt
- Mắt bị ngứa
- Muốn dụi mắt liên tục
Thông thường những triệu chứng trên sẽ xuất hiện từ 24 đến 72 giờ sau khi nhiễm bệnh. Sau đó kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần tùy vào từng trường hợp.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng em bé bị đau mắt đỏ
Có 2 nguyên nhân chính gây ra em bé bị đau mắt đỏ đó là:
Do tác nhân truyền nhiễm:
Bé có thể bị đau mắt đỏ khi tiếp xúc với tác nhân truyền nhiễm như:
- Bé vô tình bị người đang đau mắt đỏ ho hoặc hắt hơi vào người
- Bé chạm phải các đồ vật có chứa các tác nhân truyền nhiễm
- Bé sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh
- Bé bơi lội ở những nơi nước không đảm bảo vệ sinh
Do tác nhân gây kích ứng:
Có nhiều tác nhân gây ra dị ứng ở trẻ như dầu gội, sữa tắm, nước tắm, thuốc nhỏ mắt, phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn,… Khi bị đau mắt đỏ do tác nhân gây kích ứng thì thường do cơ địa của trẻ. Đau mắt đỏ ở dạng này sẽ không làm lây lan cho người khác nhưng có thể bé sẽ bị tái đi tái lại nhiều lần nếu bé có tiền sử dị ứng.
Cách khắc phục tình trạng em bé đau mắt đỏ
Để điều trị dứt điểm đau mắt đỏ ở bé thì cần phải xác định được nguyên nhân. Nhưng điều này khó có thể thực hiện tại nhà. Chính vì vậy bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và xác định nguyên nhân, mức độ và cách điều trị phù hợp. Tránh việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra hậu quả nguy hiểm.
- Đối với đau mắt đỏ do dị ứng: Nếu bé bị nhẹ có thể vệ sinh mắt và dùng đá chườm để cải thiện các triệu chứng khó chịu. Còn nếu bé bị nặng thì có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm kháng histamin để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Có thể dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống
- Đối với đau mắt đỏ do virus: Với trường hợp này thì bố mẹ cần chăm sóc cho bé để bé đỡ cảm giác khó chịu ở mắt. Bệnh sẽ tự khỏi sau 10 đến 15 ngày mà không cần điều trị y tế
- Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn: Bé sẽ cần phải sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp đáp ứng tốt thì chỉ sau 24 đến 48 giờ các dấu hiệu của bệnh sẽ được cải thiện. Đợt điều trị bằng kháng sinh sẽ kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày để tránh tái phát và không bị kháng kháng sinh về sau.
Ngoài ra bố mẹ hãy áp dụng các phương pháp chăm sóc cho bé dưới đây:
Cách ly y tế
Với trường hợp bé bị đau mắt đỏ do tác nhân truyền nhiễm thì nên để bé được cách ly y tế tại nhà. Bởi bệnh rất dễ lây lan rồi trở thành dịch. Cho bé dùng riêng các vật dụng sinh hoạt cá nhân. Hạn chế chạm tay vào mắt, mặt bé. Thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Giữ vệ sinh mắt cho bé
Khi em bé bị đau mắt đỏ thường sẽ có nhiều dử mắt, nước mắt chảy nhiều gây khó chịu. Khi bố mẹ vệ sinh mắt cho bé thì bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Bố mẹ hãy dùng một miếng bông hoặc gạc rồi thấm nước ấm sau đó lau sạch mắt không bị bệnh của bé. Sau đó làm tương tự với bên mắt bị bệnh. Tuyệt đối không làm theo chiều ngược lại vì có thể sẽ làm lây bệnh sang mắt còn lại. Sau khi vệ sinh xong thì hãy vứt bỏ miếng bông, gạc rồi rửa sạch tay. Không nên sử dụng khăn để lau bởi nếu khăn không được giặt sạch hoàn toàn cũng có thể làm lây bệnh sang mắt khác của bé.
Giữa các lần vệ sinh mắt cho bé như thế có thể làm sạch mắt cho bé bằng nước muối sinh lý. Cần có 2 lọ nước muối. 1 lọ cho mắt khỏe và 1 lọ cho mắt bị bệnh. Hãy cẩn thận để tránh nhỏ nhầm.
Ngăn ngừa sự tái nhiễm
Không để bé tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ do tác nhân truyền nhiễm. Hướng dẫn trẻ không được dụi mắt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Như vậy đau mắt đỏ không phải là một bệnh quá nguy hiểm đối với bé. Bố mẹ chỉ cần nắm vững các kiến thức trên để giúp kiểm soát tình hình bệnh của bé. Điều quan trọng vẫn là phòng tránh lây nhiễm bệnh để không gây ra bùng dịch.