Cúm Influenza là gì? Nhiễm cúm Influenza có nguy hiểm không? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị khi nhiễm cúm Influenza? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Các bạn hãy cùng theo dõi nhé.
Cúm Influenza là gì?
Cúm Influenza là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm Influenza gây ra. Bệnh cúm thường bắt đầu đột ngột và kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày.
Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1 đến 1,8 triệu người mắc cúm. Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Virus cúm Influenza thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C cụ thể như sau:
- Cúm A chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp khác nhau như H5N1, H1N1, H3N2,…. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành các đại dịch.
- Cúm B chiếm khoảng 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm. Cúm B được chia thành 2 dòng gồm dòng B/Yamagata và dòng B/Victoria. Cúm B có khả năng lây lan rất mạnh, nhưng lại ít có nguy cơ trở thành đại dịch.
- Cúm C ít gặp và ít nguy hiểm hơn. Cúm C cũng không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Bệnh cúm C không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.
>> Những thông tin bạn cần biết trước khi sử dụng vaccine cúm Influvac
Những dấu hiệu khi nhiễm virus cúm Influenza
Các dấu hiệu khi bị nhiễm virus cúm Influenza thường xuất hiện đột ngột sau khi tiếp xúc với virus 24 đến 48 giờ:
- Sổ mũi
- Hắt hơi
- Đau họng
- Cảm giác ớn lạnh
- Sốt vừa đến cao
- Đau đầu, chóng mặt
- Cảm giác mệt mỏi, yếu ớt
- Buồn nôn, tiêu chảy
Sau khoảng 5 đến 7 ngày các triệu chứng gần như biến mất, chỉ còn tình trạng ho và mệt mỏi. Sau khoảng 2 tuần thì các triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn.
Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm Influenza
Bệnh cúm thường phát triển theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 3 ngày đầu của đợt cúm. Thường có các triệu chứng như nhức đầu, sốt, đau mỏi cơ, nghẹt mũi, ho khan, đau họng
- Giai đoạn toàn phát: Xảy ra ở ngày thứ 4 đến thứ 7 của đợt cúm. Các triệu chứng như đau nhức và sốt có dấu hiệu thuyên giảm. Thay vào đó là các triệu chứng như khô, đau họng, khàn tiếng, ho và tức ngực. Một số người còn xuất hiện cảm giác đầy hơi.
- Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này thường từ ngày thứ 8 trở đi. Các triệu chứng lúc này sẽ giảm dần. Cảm giác mệt mỏi và những cơn ho sẽ kéo dài trong khoảng 1 đến 2 tuần nữa.
>> Các phương pháp xét nghiệm cúm A và địa chỉ xét nghiệm uy tín
Đối tượng nào dễ mắc virus cúm Influenza?
Những đối tượng sau rất dễ mắc virus cúm Influenza:
- Trẻ sơ sinh: Những trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi sẽ chưa được tiêm vắc xin cúm Influenza nên rất dễ mắc bệnh. Nhất là những trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi kèm theo những nguy cơ về sức khỏe.
- Trẻ em: Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ cao nhiễm cúm hơn so với người lớn
- Người cao tuổi
- Người mắc các bệnh lý nền
- Bà bầu hoặc phụ nữ đang cho con bú
Biến chứng của bệnh cúm Influenza
Khi nhiễm virus cúm Influenza có thể gây ra một số biến chứng như:
- Suy hô hấp
- Viêm phổi
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa
- Viêm đường tiết niệu
- Hội chứng Reye. Đây là một biến chứng nguy hiểm. Thường gặp ở trẻ 2 đến 16 tuổi. Tuy hiếm gặp nhưng có nguy cơ tử vong cao.
- Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu nhiễm cúm có thể gây ra thai lưu, sẩy thai hoặc dị tật thai nhi.
Các biện pháp phòng nhiễm cúm Influenza
Để phòng tránh bệnh cúm thì biện pháp tốt nhất chính là tiêm vắc xin cúm Influenza. Hãy tiêm phòng trước mùa cúm và tiêm nhắc lại hằng năm. Ngoài ra chú ý thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Che miệng khi hắt hơi
- Luôn giữ ấm cơ thể
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cúm
- Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người
Điều trị bệnh cúm Influenza
Khi mắc cúm Influenza hầu hết sẽ điều trị triệu chứng. Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cúm. Bởi kháng sinh không có tác dụng diệt virus. Thay vào đó sẽ có những loại thuốc riêng. Các thuốc này sẽ làm ngăn chặn sự nhân lên của virus cúm. Nếu sử dụng thuốc trong 2 ngày đầu của bệnh sẽ giúp giảm số ngày bị bệnh.
Với những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà. Người bệnh cần ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu, nghỉ ngơi cho đến khi hạ sốt và cần uống nhiều nước. Sử dụng nước muối sinh lý để sát khuẩn cổ họng và mũi. Đồng thời sử dụng một số loại thuốc như Ibuprofen hoặc Acetaminophen.
Với những trường hợp nặng hoặc những đối tượng như trẻ em, bà bầu, người có bệnh lý nền thì cần đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng dẫn điều trị cụ thể.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cúm Influenza mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Hãy luôn cẩn thận phòng tránh nhiễm virus cúm Influenza bạn nhé.